Sau Đối thoại Shangri-La, Trung Quốc thách thức thế giới

BVD – Tàu Pháp xuất hiện trên Biển Đông, Trung Quốc cho tàu rượt đuổi.

Tờ Wall Street Journal của Mỹ mới đây dẫn thông tin được tiết lộ của Jonas Parello Plesner, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Hudson cho hay, một tàu chiến Trung Quốc vừa thách thức một tàu quân sự Pháp hoạt động gần các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên Biển Đông.

 Tàu Trung Quốc thậm chí còn ngang nhiên thông báo qua radio rằng đây là khu vực thuộc chủ quyền của Trung Quốc và lớn tiếng hỏi “ý định” của tàu Pháp là gì khi hoạt động trong khu vực này.Các tàu hộ vệ và tàu tuần dương của Trung Quốc theo đó đã di chuyển phía sau tàu Pháp khi tàu này đi qua quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Ông Jonas Parello khi đó cũng xuất hiện trong con tàu Pháp với tư cách là quan sát viên.

“Lời đáp trả của tàu quân sự Pháp (với tàu Trung Quốc) lịch sự nhưng ngắn gọn. Phía Pháp nói rằng các tàu của họ đang hoạt động trong vùng biển quốc tế” – ông Plesner kể lại.

Nhà nghiên cứu nhấn mạnh, Pháp đang  tập hợp các quốc gia châu Âu khác để cùng hành động sau khi đưa ra các tuyên bố về “tự do hàng hải” ở Shangri-La.

Điều này lập tức được Anh hưởng ứng.

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore hôm 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và Anh có cùng ý tưởng về việc cử nhóm chuyên trách về hàng hải của Pháp cùng với tàu và trực thăng Anh sẽ thăm Singapore, sau đó tiến vào “một số khu vực nhất định” ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parly lên án tuyên bố quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã không nêu đích danh Trung Quốc nhưng phát đi tín hiệu rằng, các tàu chiến của nước này có thể di chuyển qua “vùng lãnh hải” mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trái phép.

Bà Parly cho biết thêm, mặc dù Pháp không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng việc tuần tra tự do hàng hải định kỳ như vậy cùng với “các đồng minh và bạn bè” sẽ góp phần củng cố một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson nói, năm nay nước này sẽ điều 3 tàu chiến tới Biển Đông nhằm duy trì trật tự dựa trên luật pháp.

“Chúng tôi phải nói rõ rằng, các nước cần tuân thủ luật pháp, nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả” – ông Williamson nói.

Kế hoạch này có thể gồm tuần tra lâu hơn, triển khai nhiều tàu chiến hơn, hoặc hoạt động giám sát thật gần các chốt quân sự của Trung Quốc trong khu vực.Sự ủng hộ của Pháp và Anh liên quan đến kế hoạch điều tàu chiến đến khu vực tranh chấp trên Biển Đông được Mỹ xây dựng. Lầu Năm Góc được cho là đang cân nhắc tăng cường tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép và quân sự hóa trên Biển Đông.

Trung tướng David Berger, Tư lệnh lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ở Thái Bình Dương, bày tỏ mong muốn Úc cùng tham gia biểu dương sức mạnh hải quân và không quân nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông.

 

(baodatviet)

Related Posts