‘Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII’: Nơi hội tụ những nhà khoa học hàng đầu
Bộ trưởng Bộ KH&CN tại buổi họp báo Chương trình ‘Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII’
Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII” vừa được Bộ Thông tin truyền thông phối hợp với Bộ KH&CN, UBND tỉnh Bình Định tổ chức họp báo tại Hà Nội.
Tới dự buổi họp báo có Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn; Bí thư tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng cùng đại diện các bộ ngành có liên quan và hàng trăm cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
Theo đó, Hội thảo quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” – là hội nghị lớn nhất trong chuỗi các sự kiện khoa học “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII” diễn ra vào ngày 7 và ngày 08/7/2016.
Hội thảo được sự hỗ trợ tối cao của UNESCO, đồng tổ chức bởi Bộ KH&CN và Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Châu Âu (CERN), Viện quốc tế SOLVAY để kỷ niệm 50 năm Gặp gỡ Moriond (Rencontres de Moriond) sáng lập từ 1966 bởi GS. Trần Thanh Vân.
Đặc biệt Hội thảo có mặt tham dự của 6 Giáo sư đạt giải Nobel, một GS được huy chương Fields, đó là: Ngô Bảo Châu (Field 2010), David Gross (Nobel Vật lý 2004), Carlo Rubbia (Nobel Vật lý 1984), Jerome Fiedman (Nobel Vật lý 1990), Kurt Wuthrich (Nobel Hóa học 2002), Finn Kydland (Nobel Kinh tế 2004) và Jean Jouzel (Nobel Hòa bình 2007), nguyên Phó Chủ tịch của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu.
Hội thảo cũng ghi nhận sự trở về của các giáo sư danh tiếng Việt Nam trên thế giới, như: GS. Đàm Thanh Sơn – Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, ĐH Chicago, GS. Trịnh Xuân Thuận (NASA, Mỹ), GS. Phạm Quang Hưng (Đại học Virgina, Mỹ), TS. Nguyễn Trọng Hiền (NASA, Mỹ)…
Bên cạnh đó là các giáo sư, nhà khoa học danh tiếng thế giới; các nhà quản lý khoa học; lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, Bộ KH&CN, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam; Giám đốc các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới phát triển dựa trên KH&CN.
Mục đích của Hội thảo là để tạo cơ hội để các nhà khoa học tương tác, trao đổi với các nhà hoạch định chính sách và các đại diện của khu vực kinh tế tư nhân về tầm quan trọng của khoa học đối với sự phát triển của xã hội; đề xuất những vấn đề liên quan tới khoa học cơ bản và xã hội ở các nước châu Á nói chung và đặc biệt ở các nước đang phát triển xung quanh Việt Nam với những chủ đề đặc thù của các đất nước này.
Hội thảo gồm nghiên cứu 7 chủ đề thảo luận: Tầm quan trọng của theo đuổi khoa học cơ bản ở các nước mới nổi; Khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững; Nghiên cứu cơ bản và Hòa bình; Nghiên cứu cơ bản và khí hậu; Nghiên cứu cơ bản và sức khỏe; Nghiên cứu cơ bản và sự phát triển giáo dục toàn cầu, kiến thức và công nghệ ; Nghiên cứu cơ bản, mở cửa đổi mới và hợp tác kinh tế.
Trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ Việt Nam còn có 12 hội nghị và 3 lớp học quốc tế chuyên đề về vật lý với sự tham gia của khoảng 1.661 đại biểu.
Muốn khoa học cơ bản phát triển tốt cần phải đầu tư đạt ngưỡng(VietQ.vn) – Là một trung tâm đào tạo có truyền thống về khoa học cơ bản, hàng năm các nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã công bố gần 300 bài báo trên các tạp chí quốc tế, chiếm gần 15% tổng số công bố quốc tế của cả nước, trong đó có công trình được đăng trên Tạp chí Nature số một thế giới…
Ngoài các hội thảo, hội nghị chuyên sâu sẽ có 4 buổi nói chuyện khoa học đại chúng dành cho công chúng yêu khoa học tại Quy Nhơn và Hà Nội. Các buổi nói chuyện đại chúng tại Quy Nhơn có sự tham gia của GS. Kurt Wuthrich, giải Nobel Hóa học năm 2002; GS. Trịnh Xuân Thuận vào thứ tư ngày 6/7/2016, lúc 15h00 tại số 2 Phan Đình Phùng, TP Quy Nhơn tỉnh Bình Định. Các buổi nói chuyện tại Hà Nội có sự tham gia của GS. Kurt Wurthrich tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, ĐH Quốc gia HN vào 15h thứ ba ngày 5/7/2016 và buổi nói chuyện với GS. Finn Kydland về kinh tế học – Nobel Kinh tế 2004 vào thứ 3, ngày 12/7/2016 tại Hội trường ĐH Kinh tế quốc dân HN.
Toàn cảnh buổi họp báo
Cùng với các chương trình nói trên, Hội “Gặp gỡ Việt Nam” có nhiều chương trình hoạt động khác tại Việt Nam như thành lập quỹ học bổng Vallet – GGVN; sáng lập chương trình “Bàn tay nặn bột” ở Việt Nam; thành lập lớp dự bị 2 năm cho sinh viên thi tuyển vào các trường kỹ sư khoa học ứng dụng quốc gia Pháp (INSA), giúp cho 3 làng trẻ em SOS Đà Lạt, SOS Đồng Hới, SOS Huế…
Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII là một trong những hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam được thành lập từ năm 2013 (hội là thành viên chính thức của UNESCO) nhằm mục đích tham gia vào chương trình phát triển khoa học và giáo dục quốc gia.
Khoa học cơ bản Việt Nam đang ở tốp đầu khu vực
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, trong năm 2014, về Toán học, Việt Nam đứng thứ 50 thế giới và thứ 4 ASEAN. Tương tự, về Vật lý, chúng ta xếp thứ 60 thế giới và thứ 4 khu vực.
Với lĩnh vực Hóa học, Việt Nam xếp thứ 56 thế giới và xếp thứ 4 khu vực ASEAN. Với lĩnh vực khoa học sự sống trái đất, Việt Nam xếp thứ 57 thế giới và xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN
Bộ trưởng KH&CN cũng dẫn lại sự kiện UNESCO công nhận Trung tâm Toán học và Vật lý dạng II của Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái để khẳng định vị thế các ngành khoa học cơ bản của Việt Nam so với khu vực và thế giới.
Đánh giá về vai trò của ngành KH cơ bản đối với đời sống xã hội, Bộ trưởng khẳng định, khoa học cơ bản đang làm thay đổi đáng kể cuộc sống hàng ngày. Từ cái điện thoại cho tới mạng Internet đều bắt nguồn từ nghiên cứu cơ bản.
“Nghiên cứu cơ bản là cơ sở để ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống”, ông Anh nói.
Ông Chu Ngọc Anh giải thích, ở các nước phát triển, có sự gặp gỡ rất rõ giữa khoa học cơ bản và giới công nghiệp. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển như Việt Nam, khoảng cách này vẫn còn khá xa. Những sự kiện như “Gặp gỡ Việt Nam” với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế chính là cơ hội để rút ngắn khoảng cách này.