Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông bị chỉ trích tại Shangri-La 15
Sáng nay (4/6), Đối thoại Shangri La chính thức bắt đầu phiên toàn thể đầu tiên với chủ đề “Đối mặt với những thách thức an ninh phức tạp ở châu Á” với phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, trong đó một lần nữa cảnh báo hành động khiêu khích của Trung Quốc có thể dựng lên một “Vạn lý trường thành” khiến nước này tự cô lập mình.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 15.
Mở đầu bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã điểm lại “những phép màu” về sự phát triển của các nước châu Á Thái Bình Dương, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, đến Trung Quốc, Ấn Độ và gần đây là Việt Nam.
Theo ông Carter, hầu hết những thay đổi trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là tích cực khi từng nước phấn đấu để có tiếng nói lớn hơn trên trường quốc tế. Thế nhưng trên khía cạnh tiêu cực là những căng thẳng trên Biển Đông, bán đảo Triều Tiên và sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan trên toàn thế giới cũng đang đặt ra những thách thức đối với sự ổn định và thịnh vượng chung của khu vực.
Chính vì thế các nước cần phải đoàn kết để giải quyết những thách thức an ninh đó, đảm bảo một tương lai mà tất cả các nước dù lớn hay nhỏ đều có cơ hội trỗi dậy thịnh vượng và cùng có lợi.
Ông Carter cũng cho rằng, trong khi các nước đang tăng cường đoàn kết, nỗ lực thì Trung Quốc lại đang dựng lên một “Vạn lý trường thành” vô hình cô lập chính mình.
Ông Carter nói: “Chúng tôi hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình và ổn định và thịnh vượng của Trung Quốc, đóng vai trò tích cực trong nguyên tắc mạng lưới an ninh khu vực. Nhưng không may là bầu không khí khu vực và ngay trong căn phòng này bao trùm những lo âu về hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông và trên không gian mạng.
Những hành động chưa từng có của Trung Quốc trên Biển Đông đã khiến các nước trong khu vực lo lắng và đã bày tỏ quan điểm công khai hoặc riêng rẽ với Bắc Kinh. Hành động của họ trên Biển Đông chỉ khiến họ bị cô lập trong bối cảnh các nước trong khu vực đều nỗ lực hội nhập. Thật đáng tiếc là những hành động này tiếp diễn thì sẽ chỉ xây dựng một Vạn lý trường thành của sự cô lập.”
Trong thời gian thảo luận sau khi phát biểu, trước câu hỏi tại sao Mỹ lại chỉ nhằm vào Trung Quốc để đổ lỗi cho những căng thẳng trên Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, Mỹ không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông mà chỉ tôn trong nguyên tắc và luật pháp quốc tế.
Theo ông Carter, lý do khiến không chỉ Mỹ mà cả cộng đồng quốc tế đều tập trung chỉ trích Trung Quốc là vì chỉ trong vòng một năm qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động bồi đắp và quân sự hóa các đảo, đảo nhân tạo và đảo san hô ở mức độ lớn chưa từng có.
Chính hành động này đã gây ra mối quan ngại cho các nước có liên quan và khiến Trung Quốc bị cô lập về lập trường. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng, căng thẳng trên Biển Đông là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để Trung Quốc và các nước trong khu vực xây dựng một cơ chế ngăn chặn xung đột.
Ông Carter cũng khẳng định, Mỹ giữ vững cam kết với mạng lưới an ninh của khu vực và mặ dù Mỹ đang có những mối quan ngại về tình hình ở châu Âu hay Trung Đông, thì nước này vẫn quan tâm đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương và tiếp tục thúc đẩy chính sách xoay trục sang châu Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, Washington đã, đang và sẽ tiếp tục có những kế hoạch hợp tác an ninh với các nước trong khu vực. Ông bày tỏ vui mừng rằng bên cạnh hợp tác ba bên với Mỹ, các nước trong khu vực cũng đang chủ động tăng cường hợp tác song phương, lấy ví dụ cụ thể là những hợp tác trên biển giữa Việt Nam với Ấn Độ và Nhật Bản cũng như Nhật Bản với Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh, những cơ chế hợp tác đa phương như ASEAN, ADMM+ là vô cùng quan trọng và ASEAN đóng vai trò trung tâm trong xây dựng lòng tin và đưa các nước xích lại gần nhau hơn. Ông nhấn mạnh, những nguyên tắc hợp tác song phương và đa phương này không nhằm vào bất cứ nước nào và cũng không loại trừ ai.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani phát biểu tại phiên toàn thể thứ hai của Đối thoại Shangri-La.
Trong bối cảnh Mỹ tiếp tục cam kết an ninh với các nước trong khu vực, Nhật Bản cũng khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ và các nước châu Á Thái Bình Dương trên lĩnh vực này.
Phát biểu tại phiên toàn thể thứ hai của Đối thoại Shangri-La sáng 4/6 với chủ đề “Quản lý cạnh tranh quân sự ở châu Á”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cũng cho rằng, những hành động của Trung Quốc đang tạo ra một thách thức đối với nguyên trạng khu vực và trật tự quốc tế.
Ông Nakatani nói: “Không một nước nào đứng ngoài trong vấn đề Biển Đông cả bởi nó liên quan đến an toàn và tự do hàng hải tại một khu vực vô cùng quan trọng với thương mại toàn cầu. Càng là cường quốc thì càng phải hành động có trách nhiệm. Trong phát biểu đề dẫn cách đây 2 năm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh đến trật tự luật pháp và giờ đây tôi cũng nhắc lại điều đó, rằng không một nước nào có thể dùng vũ lực để hiện thực hóa những tuyên bố chủ quyền phi lý của nước đó.
Tôi kêu gọi các nước thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, tôn trọng tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp thôn qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ những phán quyết quốc tế”.
Trong sáng nay, Đối thoại Shangri-La còn nghe những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrika, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryacudu, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon.
Bộ trưởng Quốc phòng các nước đã đề cập và giải đáp nhiều câu hỏi về vấn đề an ninh khu vực mà trong đó vấn đề được học giả và báo giới đặc biệt quan tâm vẫn là vấn đề Biển Đông.
“Kiểm soát căng thẳng trên biển Đông” cũng là một trong 6 phiên thảo luận đặc biệt chiều nay của Đối thoại Shangri-La. Dự kiến đây sẽ là vấn đề tiếp tục nóng khi Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Tôn Kiến Quốc có bài phát biểu vào ngày mai./.
Diệu Hương
( Theo VOV )