100 ngày đầu của Chính phủ mới: Những tín hiệu đáng mừng

Chính phủ mới, với 22/27 vị trí có sự thay đổi nhân sự, đã thể hiện rõ phong cách làm việc mới…

100 ngay dau cua Chinh phu moi: Nhung tin hieu dang mung - Anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các doanh nhân.

Chính phủ mới, với 22/27 vị trí có sự thay đổi nhân sự (được Quốc hội phê chuẩn thượng tuần tháng 4/2016, gồm Thủ tướng, 3 Phó thủ tướng và 18 Bộ trưởng), đã thể hiện rõ phong cách làm việc mới, với tư duy mới trong chỉ đạo, điều hành mà những kết quả đạt được trong hơn 3 tháng qua chắc chắn sẽ tạo đà cho hoạt động của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới.

Kết quả đó thể hiện sự nỗ lựcchung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng đã xác định các chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 – 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 – 3.500 USD; tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 – 34% GDP…

Căn cứ các chỉ tiêu nêu trên, Chính phủ đã xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, với quyết tâm ngay trong năm 2016 phải đạt được những thành tựu cơ bản trong phát triển kinh tế – xã hội để làm đà cho các năm tiếp theo của nhiệm kỳ XIV.

Việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội gặp không ít khó khăn và trở ngại, đòi hỏi quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội mà Chính phủ, với vai trò là cơ quan hành chính quốc gia cao nhất, phải đảm đương vị trí “đứng mũi chịu sào” trong điều hành nền kinh tế.

Những khó khăn mà Chính phủ phải tập trung giải quyết là hậu quả của thời tiết bất thường khiến các tỉnh miền núi phía Bắc phải chịu các đợt băng giá kéo dài hồi đầu năm, còn khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long lại đối mặt với tình trạng hạn hán và nhiễm mặn được coi là lịch sử.

Thiên tai đã làm thiệt hại 16.900 tỷ đồng, bằng 0,9% tổng giá trị nền kinh tế làm ra trong 6 tháng đầu năm. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp – trụ đỡ của nền kinh tế – bị cài “số lùi”, khiến tốc độ tăng trưởng GDP nửa đầu 2016 của cả nước ước chỉ đạt 5,52%, thấp xa so với con số 6,32% của cùng kỳ năm ngoái.

Sự giảm tốc của đà tăng trưởng kinh tế, gánh nặng nợ công, biến động của giá cả, nguy cơ lạm phát tăng cao, tệ nạn xã hội không giảm, diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông với những đòi hỏi chủ quyền không có cơ sở pháp lý của Trung Quốc và tác động tiêu cực (dẫu không lớn) của Brexit đối với kinh tế nước ta, sự cố tai nạn các máy bay Su 30-MK2 và CASA 212, rồi các vụ việc gây bức xúc dư luận xã hội như vụ quán cà phê “Xin chào”, vụ Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm mang tính hủy diệt đối với môi trường sinh thái biển 4 tỉnh miền Trung, tình trạng rừng tự nhiên bị tàn phá nặng nề, vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm gây lo lắng cho toàn xã hội… là những vấn đề nan giải mà Chính phủ phải vào cuộc ngay để giải quyết.

Những nỗ lực và kết quả trong việc tìm kiếm, cứu hộ và giải quyết hậu quả vụ tai nạn các máy bay Su 30-MK2 và CASA 212, cuộc đấu tranh kiên trì và quyết liệt, với các luận cứ và chứng cứ khoa học buộc Formosa Hà Tĩnh phải nhận trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường vụ gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, cách thức giải quyết vụ cà phê “Xin chào”, quyết định đóng cửa rừng ở Tây Nguyên và chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường thủy xuyên Á trên sông Hồng… là những việc làm có hiệu quả cụ thể, được nhân dân hoan nghênh.

Các quyết định nhạy bén và kịp thời mà Thủ tướng, các Phó thủ tướng và các bộ trưởng đưa ra khi làm việc với các địa phương, các bộ, ngành đã thể hiện sự năng động của Chính phủ.

Chính phủ cũng đã nhìn ra những trở lực khiến bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương vận hành kém hiệu quả; hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Đó là những trở lực từ thể chế, chính sách, từ tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu, cửa quyền, xa dân, xa rời thực tế, nói không đi đôi với làm hoặc nói nhiều làm ít, hoặc từ lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm… của một “bộ phận không nhỏ” trong bộ máy công quyền.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung tìm giải pháp tháo gỡ, với quyết tâm xây dựng “một Chính phủ trong sạch, liêm chính, một Chính phủ hiệu quả, nói không với tham nhũng, nói không với tiêu cực, nói không với lãng phí, một Chính phủ làm gương cho xã hội về vấn đề nói đi đôi với làm”.

Khái niệm “Chính phủ kiến tạo và phục vụ” mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra trong Hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp tổ chức ngày 29/4 thể hiện tư duy mới của Chính phủ trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành. Phát biểu tại hội nghị này, Thủ tướng nhấn mạnh rằng “các quy định phải nhận khó khăn về cơ quan nhà nước, tạo ưu tiên cho người dân và doanh nghiệp, theo tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ”.

Với tư duy ấy, Chính phủ tập trung kiến tạo thể chế quản lý điều hành bằng cơ chế chính sách, công cụ kinh tế, hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh tế, đồng thời thể hiện sự minh bạch, nâng cao trách nhiệm thực thi theo tinh thần phục vụ, giảm dần và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin-cho trong tất cả các lĩnh vực…

Phát biểu kết luận phiên họp của Chính phủ với các địa phương ngày 1/7, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh rằng “Tăng trưởng xét đến cùng là công việc của người dân và doanh nghiệp, nhiệm vụ của Chính phủ và địa phương là tạo tiền đề để người dân, doanh nghiệp tạo ra tăng trưởng. Đây chính là bản chất của Chính phủ kiến tạo”.

Hơn 50 nghị định và nghị quyết được Chính phủ ban hành trong mấy tháng qua đã thể hiện được tinh thần kiến tạo và phục vụ của cơ quan quản lý hành chính nhà nước, theo đó, người dân và doanh nghiệp được tạo nhiều điều kiện thông thoáng hơn để đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh.

Lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm cũng là một trở lực cho sự phát triển chung của xã hội.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quyết tâm loại bỏ trở lực này. Phát biểu tại phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật ngày 23/6, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Với tinh thần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, chúng ta kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách”.

Khắc phục khó khăn và trở lực, kể cả lối mòn tư duy cũ, để xây dựng một “chính phủ kiến tạo và phục vụ” theo hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không phải là chuyện một sớm một chiều.

Dẫu sao, những chủ trương và những việc làm, đặc biệt là những tư duy mới trong thiết kế thể chế, chính sách, trong quản lý, điều hành với tinh thần hành động quyết liệt để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mà Chính phủ thể hiện trong thời gian vừa qua là những tín hiệu đáng mừng.

Những tín hiệu đó là cơ sở để người dân và doanh nghiệp tin tưởng đồng hành cùng Chính phủ trong suốt nhiệm kỳ tới.

Theo báo chí trong nước

Related Posts