Mỹ kêu gọi Nga thắt chặt hợp tác quân sự tại Syria
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) bắt tay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
trước cuộc họp tổ chức tại Điện Kremlin hôm 14/7. (Nguồn: AFP).
Trong ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng trong chuyến công du tới Moscow, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi tăng cường phối hợp quân sự giữa Nga và Mỹ nhằm tiêu diệt các tổ chức thánh chiến và vực dậy tiến trình hòa bình Syria vốn đang bị gián đoạn. Lời kêu gọi xuất hiện chỉ vài giờ sau sự kiện khủng bố đẫm máu ở Nice, Pháp khiến ít nhất 84 người thiệt mạng.
“Không có nơi nào được coi là mảnh đất màu mỡ và là nơi sản sinh ra những kẻ khủng bố nhiều hơn là Syria” – ông Kerry nói sau khi có một phút tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố ở Nice, trước khi tham gia cuộc họp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.
“Và tôi nghĩ rằng tất cả mọi người trên thế giới đang nhìn vào chúng ta để mong ngóng tìm ra một biện pháp hiệu quả hơn” để chống lại chủ nghĩa khủng bố, ông Kerry nói thêm.
Cuộc gặp giữa ông Kerry và Lavrov tiếp nối một cuộc gặp khác giữa ông Kerry và Tổng thống Vladimir Putin trong hôm trước đó, cuộc họp được ông Kerry mô tả là hết sức “nghiêm túc và thẳng thắn”. Tuy nhiên, trong ngày 15-7, Điện Kremlin thông báo rằng việc hợp tác quân sự trực tiếp giữa Moscow và Washington ở Syria, một đề xuất mà ông Kerry dự kiến sẽ đưa ra, lại không được nhắc tới trong các cuộc đàm phán hôm thứ Năm.
Theo một tài liệu rò rỉ được tờ Washington Post dẫn lại, nội dung chủ chốt mà ông Kerry mang theo tới Moscow lần này là nhằm đề nghị Nga phối hợp quân sự chặt chẽ hơn tại Syria nhằm chống lại tổ chức thánh chiến Al-Nusra. Đổi lại, Moscow sẽ phải gây áp lực với Tổng thống Bashar al-Assad để ông này không triển khai không quân và chấm dứt các vụ tấn công nhằm vào thường dân và lực lượng phe nổi dậy “ôn hòa” mà phương Tây hậu thuẫn.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 15-6 cho hay các cuộc đàm phán giữa ông Putin và Kerry chưa đánh dấu bước khởi động hợp tác quân sự chặt chẽ hơn “nhằm cải thiện đáng kể tính hiệu quả của các nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố”.
Cơ hội cuối cùng?
Hiện nay, giới chức Mỹ rất dè dặt trong việc gọi cuộc đàm phán lần này với Nga là “cơ hội cuối cùng” nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài hơn 5 năm qua ở Syria, nhưng cùng lúc họ lại cảnh báo rằng thời gian đang cạn dần. Washington từ lâu đã cáo buộc rằng chính việc phe chính phủ nhiều lần vi phạm lệnh ngừng bắn và tầm ảnh hưởng của Al-Nusra gia tăng trong khu vực đã gây ra sự thất bại trong tiến trình hòa bình ở nước này.
“Nếu chúng ta không thể đưa ra một giải pháp cho cả hai vấn đề trên, chúng ta sẽ tự đặt mình vào thế khó và thực tế là thời gian còn rất ít” – Một quan chức Mỹ giấu tên nói với hãng tin AP.
Trong bối cảnh đó, phía chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad vẫn chưa đưa ra tín hiệu nào cho thấy họ đang chịu sức ép để chấp nhận tham gia đàm phán thành lập một chính phủ mới – bước tiếp theo trong tiến trình hòa bình nếu như một lệnh ngừng bắn được thỏa thuận.
Trả lời phỏng vấn với hãng NBC News tại Damascus, ông Assad khẳng định rằng ông Putin và Lavrov chưa từng nêu vấn đề ông phải ra đi hay tham gia chuyển tiếp chính trị.
“Chỉ có người dân Syria mới quyết định được ai sẽ trở thành Tổng thống, lúc nào điều đó xảy ra. Họ chưa từng nói lời nào liên quan tới vấn đề này” – ông Assad nói.
Moscow, Washington cùng nhóm liên lạc gồm 22 quốc gia đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn áp dụng trên phạm vi toàn quốc ở Syria và tổ chức các cuộc đàm phán tại Geneva (Thụy Sỹ) để thúc đẩy tiến tình chuyển tiếp chính trị.
Một lệnh ngừng bắn cục bộ mà họ từng thỏa thuận hồi tháng Hai vừa qua – trong đó không bao gồm tổ chức phiến quân IS hay Al-Nusra – kể từ đó đến nay đã sụp đổ do chiến sự căng thẳng tiếp diễn. Đặc phái viên LHQ tại Syria Staffan de Mistura đã thúc giục cả Nga và Mỹ nối lại các vòng đàm phán về lệnh ngừng bắn mới trong tháng tới.
Trước chuyến công du kéo dài hai ngày của ông Kerry tới Moscow, nhiều nhà phân tích đã cho rằng việc Washington có khả năng đề xuất phối hợp quân sự với Moscow ở Syria là một bước ngoặt trong thái độ của Mỹ đối với Nga. Đối với giới chức Nga, đây là một thông tin tích cực nhưng cần phải tiếp nhận một cách thận trọng.
Khánh Duy