Nước Anh chính thức có nữ thủ tướng thứ hai
Bà Theresa May, người sẽ trở thành Thủ tướng mới của Anh vào ngày 12/7 – Ảnh: Telegraph.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Theresa May sẽ kế nhiệm ông David Cameron trên cương vị Thủ tướng Anh kể từ ngày 12/7, sau khi đối thủ duy nhất của bà trong cuộc đua giành ghế thủ lĩnh Đảng Bảo thủ cầm quyền bỏ cuộc. Như vậy, bà May sẽ là vị nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử của xứ sương mù, và sẽ là người gánh trách nhiệm đưa nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Theo tin từ Bloomberg, ông Cameron cho biết, vào ngày 12/7, ông sẽ tới thăm nữ hoàng Elizabeth đệ nhị trước khi chính thức từ nhiệm. Trước chuyến thăm, ông sẽ có phiên trả lời chất vấn cuối cùng trước Hạ viện Anh.
Theo thủ tục, tiếp đó nữ hoàng sẽ mời bà May, 59 tuổi, thủ lĩnh của chính đảng chiếm đa số trong Hạ viện Anh, thành lập một Chính phủ mới.
“Brexit có nghĩa là Brexit, và chúng ta sẽ làm việc này một cách thành công”, bà May nói trong một bài phát biểu được phát trên sóng truyền hình ngày 11/7. “Chúng ta cần một tầm nhìn mới, mạnh mẽ và tích cực cho tương lai của đất nước, một tầm nhìn không phải chỉ đem lại lợi ích cho số ít những cá nhân có đặc quyền, mà cho tất cả mọi người trong chúng ta. Bởi chúng ta sẽ đem lại cho người dân quyền kiểm soát lớn hơn đối với cuộc sống của họ, và đó sẽ là cách để xây dựng một nước Anh tốt đẹp hơn”.
Tỷ giá đồng Bảng và thị trường chứng khoán Anh cùng tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tuần sau khi bà Andrea Leadsom – đối thủ duy nhất của bà May trong cuộc đua giành vị trí thủ lĩnh Đảng Bảo thủ đồng thời cương vị Thủ tướng – bất ngờ tuyên bố bỏ cuộc. Chỉ số FTSE 100 kết thúc ngày giao dịch với mức tăng 1,4%, trong khi tỷ giá đồng Bảng tăng 0,2% so với đồng USD, lên mức 1,2976 USD đổi 1 Bảng.
Trên cương vị mới, bà May sẽ gánh nhiệm vụ chèo lái con tàu nước Anh trong quá trình rút khỏi EU trước bối cảnh thị trường có độ bất ổn cao, trong đó đồng Bảng giao dịch ở gần mức thấp nhất trong hơn 3 thập niên. Bà cũng đã cảnh báo rằng nước Anh không nên tiếp tục cố gắng để đạt mục tiêu thặng dư ngân sách cho tới năm 2020.
Việc nước Anh tìm ra được một vị Thủ tướng mới đã tạm khép lại khoảng thời gian 3 tuần với một loạt diễn biến gây sốc. Sau khi cử tri Anh chọn rời EU vào hôm 23/6, thị trường tài chính toàn cầu đã chao đảo mạnh. Cùng với đó, chính sách đối ngoại của Anh cũng thay đổi, Thủ tướng Cameron từ chức, các thủ lĩnh Brexit – những người vốn được xem sẽ trở thành lãnh đạo mới của Anh – “bỏ của chạy lấy người”, và thủ lĩnh của Công đảng đối lập cũng đối mặt nguy cơ phải từ chức.
“Chúng ta sẽ có một vị Thủ tướng mới vào buổi tối ngày thứ Tư”, ông Cameron nói trong một tuyên bố ngắn gọn bên ngoài dinh Thủ tướng ở trung tâm London. “Bà ấy là một người mạnh mẽ, có năng lực và thừa khả năng lãnh đạo đất nước chúng ta trong những năm sắp tới.
Trong bài phát biểu ngày thứ Hai, bà May thừa nhận việc nhiều cử tri Anh đang cảm thấy lo ngại về việc nước này bị tụt lại phía sau trong tiến trình toàn cầu hóa do Brexit. Bà cam kết sẽ có các biện pháp chống lại tình trạng trả thù lao quá cao cho các lãnh đạo doanh nghiệp và chống trốn thuế.
“Đang tồn tại một khoảng cách ngày càng lớn, phi lý và không lành mạnh giữa mức thù lao mà các công ty trả cho sếp và hân viên”, bà May nói như một thông điệp gửi đến các doanh nghiệp lớn nhất của Anh. “Đúng là chúng tôi là Đảng Bảo thủ, đảng của các doanh nghiệp, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẵn sàng chấp nhất bất kỳ điều gì”.
Về vấn đề Brexit, khi tuyên bố tranh cử chức Thủ tướng hồi tháng trước, bà May đã nói bà sẽ đợi ít nhất cho tới năm 2017 mới kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon – động thái chính thức mở màn cho tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm về việc Anh ra khỏi EU.