Vụ Formosa: Điều quan trọng nhất là khắc phục môi trường biển
Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS khoa học Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho rằng, trong vụ Formosa xả độc tố làm cá chết hàng loạt, điều quan trọng nhất là phải tăng cường các giải pháp để khắc phục môi trường biển, hệ sinh thái biển đang bị ảnh hưởng.
Tổn thất về tinh thần không bao giờ bù đắp được
Thưa PGS, vụ việc cá chết hàng loạt đã gây ra những khó khăn không thể đong đếm được cho ngư dân miền Trung, đe dọa đến sinh kế từ bao đời nay. Có ý kiến cho rằng những bồi thường về mặt con số không thể khỏa lấp hết được. PGS có ý kiến như thế nào?
Điều quan trọng nhất là cái gì sẽ thay thế cho cái đã mất. Vụ cá chết ở miền Trung gây ra thiệt hại gồm: Vật chất vì mất cá là mất tiền; Thời gian; Mối quan hệ giữa người và người và cuối cùng là Tinh thần. Trong đó, cái mất thứ 4 là cái không bao giờ bù đắp được.
Theo luật, ai gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Điều quan trọng nhất là có biện pháp để buộc thủ phạm phải bồi thường không, vì rất nhiều người chỉ hứa mà không làm. Vấn đề là anh có thật lòng cầu thị để xác định, khắc phục những thiệt hại hay không?
Đấy là về mặt vật chất, còn về mặt mối quan hệ thì phải khắc phục dần theo thời gian. Còn tổn thất về tinh thần thì hầu như không thể bù đắp được.
PGS.TSKH Nguyễn Tác An trao đổi với PV Dân trí chiều 30/6 sau công bố thủ phạm làm cá chết hàng loạt ở miền Trung – Ảnh: Viết Hảo.
Theo PGS, trách nhiệm khắc phục hậu quả, tái tạo môi trường biển, tái tạo hệ sinh thái bị ảnh hưởng… sẽ được đặt ra như thế nào đối với Formosa?
Cái này là của cơ quan quản lý Nhà nước, vì chúng ta không tiếp cận được những định lượng thiệt hại về mặt vật chất, về mặt môi trường và các nguyên lý bồi thường. Theo tôi, Nhà nước có trách nhiệm làm trọng tài phân xử việc bồi thường; yêu cầu bồi hoàn, bù đắp những thiệt hại một cách đầy đủ, theo đúng luật pháp, theo đúng nhân tính con người và theo truyền thống.
Động viên ngư dân kiên trì bám biển
Hòa thượng (HT) Thích Khế Chơn – Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế – chia sẻ quan điểm trên tinh thần Phật giáo: “Ngoài số tiền 500 triệu USD mà Formosa cam kết bồi thường cho Việt Nam, chúng tôi mong mỏi người gây ra điều này phải có một giải pháp bền vững để trợ giúp cho ngư dân khó khăn. Tinh thần từ bi đạo Phật mong họ hãy giúp đỡ cuộc sống cho ngư dân Việt Nam sau thảm họa cá chết hàng loạt ở miền Trung do họ gây ra. Khi mở rộng lòng mình chính là đã có sự trợ duyên và xoa dịu nỗi đau cùng con người, nhân loại”.
Hòa thượng Thích Khế Chơn.
Chúng ta đã chấp nhận lời xin lỗi và đền bù cho người dân của Formosa rồi, trong thời gian tiếp theo, chúng ta phải yêu cầu đơn vị đó chấp hành luật bảo vệ môi trường như thế nào để tránh những sự cố tương tự?
Điều quan trọng là chúng ta phải yêu cầu họ bảo vệ môi trường biển lâu dài về sau và phải tuân thủ tuyệt đối chính sách bảo vệ môi trường mà nhà nước Việt Nam quy định.
Chúng ta yêu cầu họ phải có tinh thần tôn trọng và bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển của Việt Nam nói riêng. Quan trọng là phải tìm ra một giải pháp thích hợp để vừa sản xuất tốt đẹp vừa không đem lại những tác hại cho môi trường sống, môi trường biển.
Đã tiếp xúc nhiều với các phật tử là ngư dân, HT có lời nhắn nhủ nào cho các ngư dân sẽ tiếp tục bám biển trong thời gian tới?
Trong số đồng bào ngư dân ở Huế và miền Trung thì đa số là tín đồ Phật giáo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời gian qua thường xuyên kêu gọi các phật tử là ngư dân cố gắng trở lại nếp sinh hoạt bình thường. Các thầy trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo đã thực hiện nhiều chuyến thăm hỏi, trao quà cho ngư dân gặp khó khăn theo tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Chúng tôi khi gặp mọi người đều hay khuyến khích, động viên các ngư dân hãy bám biển. Điều này sẽ tạo cho ngư dân vừa sản xuất đảm bảo cuộc sống kinh tế cho gia đình, góp phần phồn vinh giàu mạnh cho đất nước, đồng thời vừa bảo vệ được biên giới biển Việt Nam. Đây là một đóng góp thiết thực để giữ gìn bờ cõi Việt Nam thân yêu.
Viết Hảo – Đại Dương (thực hiện)