Doanh nhân Nguyễn Tăng Cường: TPHCM không hết ngập, không lấy tiền
Những ngày qua, giữa trận ngập lụt kinh hoàng xảy ra tại TP.HCM, ông Nguyễn Tăng Cường – Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (Ninh Bình) trở thành từ khóa “hot” khi đưa ra giải pháp chống ngập úng cho TP.HCM với cam kết “không hết ngập, không lấy tiền”.
Nguyễn Tăng Cường cho biết: “Trước khi lên phương án “giải cứu” tình trạng ngập úng cho TP.HCM, tôi đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ nhiều kinh nghiệm thị sát một thời gian dài tại các tuyến phố, đồng thời dựa vào các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, đơn vị quản lý chuyên ngành cấp thoát nước của TP. HCM từ nhiều năm qua”.
Với các số liệu đo được từng tháng, từng quý, từng năm cho thấy, tình trạng ngập úng tại thành phố này ngày càng gia tăng. Hiện có trên 66 điểm ngập úng, trong đó có trên 40 điểm ngập thường xuyên và ngập nặng xảy ra ở các quận 1; quận 2, quận Thủ Đức, Nhà Bè…
Ông Cường cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt nghiêm trọng như trên là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tốc độ đô thị hóa cao dẫn đến bê tông hóa bề mặt, khiến lượng nước mưa không thẩm thấu kịp xuống đất. Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn và bảo vệ các hệ thống cấp thoát nước của người dân còn hạn chế, vẫn còn việc xả rác thải bừa bãi, gây ách tắc dòng chảy. Thêm vào đó, tầm nhìn quy hoạch các hệ thống cấp thoát nước còn bất cập, quy hoạch chắp vá.
Ngoài ra, do hệ thống cống quá nhỏ dẫn tới tình trạng thường xuyên bị tắc do bùn, đất, cành, que, lá, giấy, giẻ rách trôi xuống… Một số vị trí cống bị cậy lấy cắp, một số nơi cống lại bị xô lệch, so le nhau dẫn đến bị tắc cống. Tình trạng tắc cống nghiêm trọng đến mức mỗi năm TP.HCM phải chi gần nghìn tỷ đồng cho công tác thông, nạo vét cống.
Để xử lý vấn nạn úng ngập, TP.HCM đã triển khai một số van bơm một chiều và xây dựng bờ bao ở 6 cống để giải quyết điều tiết nước tạm thời, nhằm ngăn chặn triều cường cho một số quận. Tuy nhiên, hệ thống này sau khi xây dựng xong vẫn không thể giải quyết được tình trạng ngập úng nghiêm trọng ở một số điểm trong khu vực nội thành như quận 1, quận 2; quận Tân Bình….
Từ những phân tích trên, ông Cường cho rằng: Để chống ngập úng, chỉ cần đưa máy bơm ly tâm đặt tại một số vị trí mà không cần vớt rác, đào đường lắp cống mới. Theo đó, doanh nghiệp của ông sẽ tự ứng vốn đầu tư cho một số khu vực thành phố thường xuyên xảy ra ngập úng với cam kết: “Thành công mới được thanh toán tiền, còn không doanh nghiệp sẽ tự chịu chi phí”.
Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung sẽ thiết kế hệ thống chống ngập bằng máy bơm ly tâm có thể hút nước với công suất 96.000 m3/g, hoạt động bằng dầu hoặc điện. Bơm hút đặt tại các cửa xả nước tiếp giáp với sông, đảm bảo chức năng hút nước, lại có bộ lọc tự động tách rác thải đưa vào xe chuyên dụng mang đến nơi thu gom.
Theo ông Cường, hệ thống bơm hút ly tâm tự động kết hợp với cảm biến đo mực nước, do đó chỉ cần ngồi ở trung tâm để điều khiển máy bơm hút nước từ chỗ thấp lên chỗ cao, gắn trực tiếp vào cống thoát nước có sẵn của thành phố. Máy bơm có thể đẩy nước chảy xa tới 10km mà không thể dội ngược lại do được trang bị van một chiều.
Theo đó, hệ thống chống ngập kiểu mới có thể làm giảm từ 60 – 70% chi phí cho công tác nạo vét và thông cống. Ngoài ra, nơi đặt thiết bị nằm ở cuối cửa xả tiếp giáp với cống nên không ảnh hưởng nhiều đến diện tích đất và hoạt động chung của thành phố. Ông Cường cũng tiết lộ, chi phí lắp máy bơm ly tâm chỉ tốn khoảng 10% so với các dự án chống ngập “to tát” hiện nay và cả công tác duy tu, vớt rác.
“Đối với 1 máy bơm hoạt động trong 1 trận mưa chỉ cần chi phí nhiên liệu khoảng 5 triệu đồng. Giải pháp của Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung sẽ có mức chi phí đầu tư thấp nhất, tiết kiệm nhất, giải quyết triệt để úng lụt trong thời gian tối thiểu 20 năm” – ông Cường nhấn mạnh.
Duyên với những công trình khủng
Trước đó, doanh nhân Nguyễn Tăng Cường đã từng thi công một số cầu vượt kết cấu thép tại TP. HCM, chính vì thế ông có thời gian gắn bó, đi lại trên các tuyến đường ở thành phố này. Nhiều lần chứng kiến cảnh đời sống người dân bị đảo lộn bởi ngập lụt, giao thông ùn tắc, hỗn loạn do triều cường và những cơn mưa lớn gây ra, khiến ông Cường luôn trăn trở rồi quyết tâm tìm phương án “giải cứu”.
Trong khi đó, tình trạng ngập lụt triền miên, trầm trọng kéo dài trong nhiều năm không chỉ khiến người dân mà cả chính quyền TP.HCM cũng lo ngại, đau đầu tìm kế sách khắc phục, song vẫn chưa có đơn vị nào xử lý được tình trạng ngập úng này.
Khi ông Cường đưa ra phương án “giải cứu” việc ngập úng ở TP.HCM bằng bơm ly tâm, nhiều người cho rằng đây chỉ là chuyện “chém gió”, nói cho vui tai. Nhưng ai đã từng chứng kiến những công trình ông từng thi công, thì lại có cách nhìn khác, vị doanh nhân này đã nói là làm. Nhờ áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung không chỉ cung cấp nhiều sản phẩm cơ khí độc nhất vô nhị, có chất lượng cao mà còn “giải cứu” nhiều trường hợp rơi vào thế bế tắc.
Điển hình như Tập đoàn đã chế tạo thành công cầu trục có tải trọng 500 tấn cho Nhà máy thủy điện Sê San 3, Gia Lai hồi năm 2005. Ông Cường cho biết, vào thời điểm đó, nếu mua 1 chiếc cầu trục có tải trọng tương tự của nước ngoài thì giá sẽ đắt gấp 3 lần so với giá cầu trục của Quang Trung sản xuất, chưa kể phải đợi cả năm trời mới có máy móc đưa về tới công trình. Thế nhưng ông Nguyễn Tăng Cường, với đội ngũ kỹ sư được đào tạo bài bản từ nước ngoài, giàu kinh nghiệm đã thiết kế và lắp đặt xong chiếc cầu trục có tải trọng trên 500 tấn chỉ trong 2 tháng 15 ngày, tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài ra, Cơ khí Quang Trung còn cung cấp cẩu trục cho các công trình thủy điện Đồng Nai 3, 4; Sông Tranh 2. Đặc biệt là năm 2008, Cơ khí Quang Trung đã sản xuất thành công cầu trục lớn nhất Việt Nam với tải trọng 1.200 tấn phục vụ cho các nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á là Sơn La và Lai Châu.
30 ngày hoàn thiện 30 cầu treo
Không chỉ là “cha đẻ” của các sản phẩm cơ khí “khủng”, ông Nguyễn Tăng Cường còn gây “bão” trong giới xây dựng bởi chuyện 30 ngày làm xong 30 chiếc cầu treo. Cụ thể, để triển khai dự án 186 cầu treo cho các xã khó khăn, Bộ GTVT yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung nhanh chóng thiết kế các mẫu cầu treo điển hình khổ từ 30m, 40m, 50m đến 200m. Chỉ sau 1 tháng, đội ngũ kỹ sư của Tập đoàn đã hoàn thiện toàn bộ các mẫu thiết kế điển hình, trình Bộ GTVT phê duyệt. Và cũng trong 1 tháng đó, với công nghệ “đúc cầu treo trong nhà máy”, ông Cường đã chỉ đạo cán bộ, kỹ sư thi công xong 30 chiếc cầu treo, khiến tư lệnh ngành giao thông hồi ấy là ông Đinh La Thăng không khỏi ngỡ ngàng.