Hồ Victoria sẽ thành điểm nóng giông bão do biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu sẽ biến Hồ Victoria tại Đông Phi trở thành một vùng giông bão nguy hiểm, đe dọa cuộc sống của khoảng 200.000 ngư dân thường xuyên hoạt động vào ban đêm.

image

Hồ Victoria sẽ thành điểm nóng giông bão do biến đổi khí hậu. Ảnh: silverbirdsafari-africa.com

Đó là kết quả một nghiên cứu khoa học công bố ngày 27/9 trên tạp chí Nature Communications.

Nghiên cứu trên cũng cảnh báo rằng các siêu bão, thông thường chỉ hình thành ở đây khoảng 15 năm một lần, hoàn toàn có thể xảy ra hàng năm vào cuối thế kỷ này. Theo nhà nghiên cứu Wim Thierry của Đại học Leuven, Bỉ, các yếu tố thời tiết tiêu cực tạo nên các cơn bão ban đêm trên Hồ Victoria luôn tồn tại nhưng có thể sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Ông Wim Thierry và các cộng sự đã sử dụng các dữ liệu vệ tinh của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) để thống kê các cơn giông bão nguy hiểm tại Đông Phi xảy ra từ năm 2005 đến năm 2013.

Để dự đoán những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên các yếu tố thời tiết trên Hồ Victoria, các nhà nghiên cứu đã xây dựng nhiều mô hình thời tiết dựa trên giả thuyết là sự nóng lên của Trái Đất tiếp tục diễn ra với tốc độ hiện nay. Họ đã phát hiện ra là tổng lượng mưa khổng lồ trút xuống Hồ Victoria sẽ tăng gấp đôi so với lượng mưa ở các khu vực xung quanh. Điều này biến hồ thành một điểm nóng giông bão vào ban đêm.

Với diện tích khoảng 70.000 km2, Hồ Victoria là hồ nước ngọt lớn nhất châu Phi. Hồ nằm trong vùng thuộc biên giới các quốc gia Uganda, Kenya và Tanzania. Số liệu của Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế nêu rõ mỗi năm từ 3.000 đến 5.000 người thiệt mạng trên Hồ Victoria do điều kiện thời tiết thất thường gây ra./.

 

 

Related Posts