Giáo sư Mỹ thắc mắc ‘Việt Nam nghèo sao học sinh xếp hạng PISA cao’
“Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Liệu có sự tác động của đầu vào, sách học thêm, tham khảo hay giáo viên dạy Toán của Việt Nam giỏi hơn các nước?”, GS Paul Glewwe (Đại học Minnesota, Mỹ) đặt câu hỏi.
( PISA là chương trình khảo sát giáo dục duy nhất mang tính toàn cầu nhằm đánh giá năng lực Toán, Khoa học và Đọc hiểu của học sinh độ tuổi 15, được thực hiện 3 năm một lần bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). )
Sáng 15/12, tại phiên thảo luận chuyên đề “Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực” trong khuôn khổ hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 diễn ra ở Hà Nội, GS Paul Glewwe đến từ Khoa Kinh tế học ứng dụng, Đại học Minnesota (Mỹ) đã bình luận về kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment – PISA) của Việt Nam. Ông tỏ ra ngạc nhiên vì thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng PISA trong hai lần tham gia vào năm 2012 và 2015.
Theo kết quả bài thi đánh giá học sinh quốc tế năm 2015 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 6/12, Việt Nam xếp thứ 8 trong 72 nước về Khoa học, thứ 22 về Toán và 32 về Đọc hiểu. Ngay lần đầu tiên tham gia bài đánh giá PISA vào năm 2012, Việt Nam đã đứng thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về Toán và thứ 19 về Đọc hiểu.
GS Paul Glewwe đặt câu hỏi liệu sách tham khảo hay dạy thêm có tác động đến kết quả PISA của Việt Nam hay không? Ảnh: Thanh Tâm |
GS Paul cho biết khảo sát, xếp hạng PISA tỷ lệ thuận với GDP của mỗi quốc gia và luôn có mối tương quan thuận chiều giữa kết quả PISA với mức độ sung túc. Tuy nhiên, Việt Nam là trường hợp ngoại lệ. Kết quả PISA của Việt Nam đã vượt ra ngoài cuộc tranh cãi chỉ quốc gia có trình độ kinh tế phát triển cao mới có nền giáo dục chất lượng.
“Nói thật chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Liệu có sự tác động của đầu vào, sách học thêm, tham khảo hay giáo viên dạy Toán của Việt Nam giỏi hơn, chất lượng hơn các nước khác?”, ông Paul đặt câu hỏi.
GS Paul cho biết thêm, khi so sánh Việt Nam với các nước, nghiên cứu của ông không chỉ lấy GDP làm tiêu chí mà còn tính đến cả yếu tố, như: trình độ học vấn của cha mẹ, tài sản của gia đình… Và ở yếu tố nào, Việt Nam cũng thấp hơn nhiều nước phát triển. Điều này càng khiến ông không thể hiểu nổi tại sao bị tác động bởi nhiều yếu tố như vậy mà điểm PISA của Việt Nam vẫn rất cao.
Lý giải cho những thắc mắc của ông Paul, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng thu nhập của người dân Việt Nam không cao, nhưng Việt Nam rất đặc biệt. “Cha mẹ Việt có thể hy sinh tất cả, bán hết nhà đất, ruộng vườn để lo cho con ăn học. Đặc điểm đó ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản có thể có, nhưng ở châu Âu chắc không có”, ông Nhạ nói.
Dù nhận được câu trả lời của Bộ trưởng Nhạ, nhưng GS Paul cho rằng đánh giá PISA có thể không đúng với tất cả học sinh dưới 15 tuổi ở Việt Nam. Ông sẽ tiếp tục nghiên cứu để giải đáp những thắc mắc của chính mình.
Ngày 6/12, OECD công bố kết quả PISA năm 2015 với 540.000 học sinh từ 72 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Các nước có xếp hạng PISA 2015 cao là Nhật Bản, Estonia, Phần Lan và Canada. Nhiều quốc gia Đông Á khiến thế giới ngưỡng mộ khi có vị trí tốt trên bảng xếp hạng, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc. |
Thanh Tâm