Chấm dứt DACA: Rối bời ‘giấc mơ Mỹ’
BVD – 15 bang và thủ đô Washington DC ngày 6.9 đệ đơn kiện Tổng thống Donald Trump về quyết định chấm dứt Chương trình Hoãn thực thi trục xuất đối với những người tới Mỹ bất hợp pháp từ khi còn nhỏ (DACA). Đơn kiện muốn tòa can thiệp ngăn chặn quyết định của Tổng thống Donald Trump và duy trì DACA.
“Người mộng mơ” vỡ mộng “giấc mơ Mỹ”
“Đây là một điều thái quá. Tôi sẽ không chịu đựng nổi” – tờ Seattle Times dẫn lời Tổng Chưởng lý Washington D.C – ông Bob Ferguson phát biểu tại cuộc họp báo ở Seattle ngày 6.9, nói rằng “đây là thời kỳ đen tối với đất nước chúng ta”.
Washington, New York và Massachusetts dẫn đầu vụ kiện. Các lập luận trong hồ sơ kiện dài 58 trang thay mặt “những người mộng mơ” (cụm từ người bản địa sử dụng nói tới những người nhập cư vào Mỹ khi còn nhỏ – PV) cho rằng ông Donald Trump vi phạm quy trình hợp pháp theo hiến pháp, các biện pháp đảm bảo bảo vệ công bằng, cũng như các luật liên bang quy định những thủ tục cụ thể trước khi một chương trình phức tạp như DACA bị dỡ bỏ.
Đơn kiện cũng chỉ ra những phát biểu của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2016 và tố cáo rằng quyết định của Tổng thống phần nào đó xuất phát từ động cơ phân biệt đối xử chống lại di dân Mexico, vốn là những đối tượng chủ yếu hưởng lợi từ DACA. Theo ông Ferguson, gần 80% trong số khoảng 800.000 “người mộng mơ” đến từ Mexico. Tính đến tháng 3, Chính phủ đã phê chuẩn gần 18.000 hồ sơ DACA từ các cư dân ở Washington.
Trong khi đó, một phát ngôn viên Nhà Trắng khi được đề nghị bình luận, đã nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions hôm 5.9 khi thông báo chấm dứt DACA: “Như Tổng Chưởng lý đã nói, không có gì tốt hơn cho sự thịnh vượng và sức khoẻ của chúng ta là bằng việc duy trì và tăng cường luật pháp công bằng”. Bộ Tư pháp lưu ý, DACA được thực thi theo một sắc lệnh của cựu Tổng thống Barack Obama chứ không thông qua một hành động lập pháp của Quốc hội. Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Devin M.O’Malley cho biết, bộ sẽ bênh vực quan điểm của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Cuộc chiến khó khăn
Hồ sơ kiện của các bang cho rằng, việc chấm dứt DACA gây thiệt hại trực tiếp tới các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng và cả nền kinh tế. Tổng Chưởng lý New York, Eric Schneiderman, đi đầu trong nỗ lực pháp lý này tại quận Eastern (New York) cho biết, 42.000 cư dân New York nằm trong chương trình DACA, nên việc chấm dứt chương trình này sẽ là một mất mát khủng khiếp đối với họ, cũng như gây ra thiệt hại kinh tế to lớn đối với bang New York.
Lập luận trong hồ sơ kiện liên quan đến vấn đề nguyên tắc xét xử công bằng theo đúng thủ tục luật định để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân cho biết, trước đó chính phủ đã hứa hẹn không sử dụng thông tin cá nhân mà ứng viên DACA nộp đơn để chống lại họ. Chính phủ liên bang tuyên bố không có ý định nhằm mục tiêu trục xuất “những người mộng mơ” trong vòng 6 tháng, và cho Quốc hội khoảng thời gian này để hành động nếu muốn tiếp tục cho phép thành phần di dân này ở lại Mỹ. Tuy nhiên ông Ferguson nói, chính quyền không đưa ra đảm bảo nào.
Hồ sơ kiện cũng cho rằng việc ông Donald Trump chấm dứt DACA là tuỳ tiện, phi lý và vi phạm hai luật liên bang, một là Đạo luật Thủ tục hành chính, yêu cầu cần phải có một quá trình để kết thúc một chương trình như DACA, hai là Chương trình Hoãn thực thi trục xuất đối với cha mẹ những người đến Mỹ từ khi còn nhỏ (DAPA).
Hồ sơ kiện đã nhận được sự ủng hộ của các tập đoàn khổng lồ của Mỹ. Tổng Giám đốc điều hành Amazon, Microsoft, Facebook và Starbucks đã ký tên vào một lá thư ngỏ gửi Tổng thống Donald Trump yêu cầu giữ lại DACA. Bà Ayesha Blackwell Hawkins – phụ trách chiến lược nhập cư của Amazon – cho biết, công ty này có 9 nhân viên thuộc diện DACA, trong khi đó Microsoft có 39 “người mộng mơ”. “Nếu những người mộng mơ là nhân viên của chúng tôi ra toà, chúng tôi sẽ sát cánh bên họ” – ông Brad Smith – Chủ tịch kiêm Giám đốc pháp lý của Microsoft – nói.
Chưa biết vụ kiện sẽ đi đến đâu, song các chuyên gia luật cho rằng kiện việc Tổng thống Donald Trump bỏ DACA có thể sẽ dẫn tới một “cuộc chiến tăng tiến” vì thông thường tổng thống có quyền khá rộng xét về mặt thực thi chính sách di trú./.
(Laodong)