Xem ngay : Tin nóng quốc tế 21/09/23

Ba Lan ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine

Thủ tướng Ba Lan tuyên bố ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine để tập trung xây dựng nền quốc phòng, giữa lúc hai nước căng thẳng về nông sản.

“Chúng tôi không còn chuyển bất cứ vũ khí nào cho Ukraine, vì đang tập trung trang bị những khí tài hiện đại hơn cho chính Ba Lan. Chúng tôi hành động dựa trên nguyên tắc ‘nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh'”, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói trên truyền hình hôm 20/9.

Ông Morawiecki đưa ra phát biểu khi được hỏi liệu Warsaw có duy trì ủng hộ Kiev giữa lúc hai nước căng thẳng vì nông sản hay không.

Bộ Ngoại giao Ba Lan trước đó triệu Đại sứ Ukraine Vasyl Zvarych để phản đối phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người nói rằng “các sân khấu chính trị” xung quanh hoạt động nhập khẩu nông sản chỉ làm lợi cho Nga.

Xe tăng T-72 Ba Lan viện trợ cho Ukraine tham chiến tại Donetsk hồi năm 2022. Ảnh: Twitter/UAWeapons

Xe tăng T-72 Ba Lan viện trợ cho Ukraine tham chiến tại Donetsk hồi năm 2022. Ảnh: Twitter/UAWeapons

Ba Lan là một trong những đồng minh ủng hộ nhiệt thành nhất của Ukraine từ khi chiến sự bùng phát đầu năm 2022. Warsaw đã cung cấp hơn 3,2 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev, cung cấp nhiều tiêm kích MiG-29, xe tăng và thiết giáp, khí tài hạng nặng cùng đạn dược. Ba Lan cũng tiếp nhận khoảng một triệu người tị nạn Ukraine, bảo vệ Kiev trên các diễn đàn quốc tế, biến lãnh thổ của mình thành nơi tập kết vũ khí phương Tây trước khi chuyển cho Ukraine.

Tuy nhiên, hai nước đã bất đồng sâu sắc vì lệnh cấm nhập khẩu nông sản Ukraine và thái độ của Ukraine nên Ba Lan đã tuyên bố ” Chúng tôi không còn chuyển bất cứ vũ khí nào cho Ukraine !”

Ukraine nói thám báo tấn công căn cứ không quân Nga ở Moskva

Tình báo Ukraine tuyên bố nhóm thám báo “không rõ danh tính” đặt thuốc nổ làm hư hại ba máy bay tại căn cứ không quân Chkalovsky ở tỉnh Moskva.

“Nhóm chưa rõ danh tính đặt chất nổ tại căn cứ không quân được bảo vệ nghiêm ngặt, làm hư hỏng máy bay An-184 và Il-20 thuộc Trung đoàn Đặc nhiệm 354, cũng như một trực thăng Mi-28N từng tham gia bắn hạ máy bay không người lái (UAV) tại tỉnh Moskva”, Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) tuyên bố hôm 20/9.

Theo GUR, vụ tập kích xảy ra ở căn cứ không quân Chkalovsky, nằm cách thủ đô Moskva khoảng 30 km về phía đông bắc. Cơ quan này nhận định thiệt hại về máy bay “sẽ không cho phép Nga tin tưởng vào năng lực phục hồi nhanh chóng của họ”. Tuy nhiên, GUR chưa đưa ra bằng chứng cụ thể nào để xác nhận thông tin.

Giới chức Nga chưa bình luận về tuyên bố này.

Vận tải cơ Il-76MD tại căn cứ không quân Chkalovsky tháng 3/2020. Ảnh: BQP Nga

Vận tải cơ Il-76MD tại căn cứ không quân Chkalovsky tháng 3/2020. Ảnh: BQP Nga

Ukraine hiếm khi nhận trách nhiệm về các hoạt động quân sự bên ngoài lãnh thổ. Một số quan chức quân sự và tình báo Ukraine gần đây ám chỉ họ thực hiện các vụ tập kích nhằm vào mục tiêu trong lãnh thổ Nga, bất chấp phương Tây nhiều lần bày tỏ không khuyến khích hoạt động này.

UAV Nga tập kích gây cháy nhà máy lọc dầu lớn nhất Ukraine

Ukraine tuyên bố chặn 17 trong 24 UAV tự sát Nga tập kích trong đêm, số còn lại gây cháy tại nhà máy lọc dầu Kremenchuk ở tỉnh Poltava.

Bộ tư lệnh không quân Ukraine hôm nay thông báo quân đội Nga triển khai 24 máy bay không người lái (UAV) tự sát kiểu Shahed-136/131 để tấn công nước này từ hướng bắc và đông nam sau nửa đêm.

“Các đơn vị phòng không đã bắn hạ 17 mục tiêu trên bầu trời tỉnh Sumy, Poltava, Kirovograd và Dnipro. Không may là những trận giao tranh ở nhà máy lọc dầu tại tỉnh Poltava đã khiến cơ sở này phải ngừng hoạt động. Lực lượng ứng phó khẩn cấp đang nỗ lực khắc phục hậu quả”, Bộ tư lệnh không quân Ukraine cho hay.

Một nhà máy trúng tên lửa Nga ở tỉnh Poltava hồi cuối tháng 8. Ảnh: Reuters

Một nhà máy trúng tên lửa Nga ở tỉnh Poltava, Ukraine, hồi cuối tháng 8. Ảnh: Reuters

Dmytro Lunin, tỉnh trưởng tỉnh Poltava ở miền trung Ukraine, xác nhận cuộc tấn công đã gây cháy tại nhà máy lọc dầu Kremenchuk và cơ sở này đang phải đình chỉ hoạt động. “Lực lượng phòng không đã làm tốt công việc đối phó UAV đối phương”, ông nói và thêm rằng chưa có thông tin về thương vong.

Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.

Ukraine từ chối nhận lô xe tăng Leopard 1 của Đức

Ukraine không nhận lô xe tăng Leopard 1 mà Đức mới chuyển giao, cho rằng chúng bị hỏng và Kiev không thể tự sửa chữa.

Tờ Der Spiegel của Đức hôm 19/9 cho biết Ukraine từ chối nhận 10 chiếc xe tăng Leopard 1 của Đức trong buổi lễ bàn giao ở thành phố Rzeszów, Ba Lan, khi phát hiện những chiếc xe này bị hư hỏng và Kiev không có đủ kỹ sư, linh kiện thay thế để tự sửa chữa.

Đây là lô Leopard 1 thứ hai mà Đức chuyển giao cho Ukraine từ đầu chiến sự. Berlin hồi đầu năm cam kết phối hợp với Hà Lan và Đan Mạch để cung cấp cho Kiev hơn 100 chiếc Leopard 1 đã được tân trang. Một số chiếc trong lô đầu tiên mà Đức bàn giao cho Ukraine hồi tháng 7 cũng gặp vấn đề về kỹ thuật tương tự lô thứ hai.

Binh sĩ Ukraine trong buổi huấn luyện xe tăng Leopard 1 tại Đức hôm 3/5. Ảnh: Reuters

Binh sĩ Ukraine trong buổi huấn luyện xe tăng Leopard 1 tại Đức hôm 3/5. Ảnh: Reuters

Xe tăng Leopard 1 do hãng Porsche phát triển vào những năm 1960, với hơn 4.700 chiếc đã xuất xưởng. Leopard 1 nặng 42,2 tấn, được trang bị pháo với rãnh khương tuyến L7A3 105 mm, hai súng MG-3 hoặc FN MAG, có thể đạt tốc độ tối đa 65 km/h với tầm hoạt động 450-600 km.

Tiêm kích bom Su-34 rơi tại Nga

Chiếc Su-34 ngày 20/9 gặp sự cố khi thực hiện chuyến bay huấn luyện theo kế hoạch và không mang theo đạn dược. “Tổ lái hai người bật ghế phóng thoát ra ngoài và được đưa về căn cứ nơi họ đóng quân. Họ không đối mặt nguy cơ sức khỏe nào”, Bộ Quốc phòng Nga thông báo.

Chiếc Su-34 nói trên rơi ở vị trí xa khu dân cư, không gây thiệt hại trên mặt đất. Thông tin sơ bộ cho thấy nguyên nhân của vụ tai nạn là trục trặc kỹ thuật.

Tài khoản Telegram Fighter Bomber của một phi công tiêm kích Nga cho biết một trong hai càng đáp chính của chiếc Su-34 bị hỏng. “Sau nỗ lực khắc phục sự cố bất thành, tổ lái đưa máy bay tới vị trí phù hợp và bật ghế phóng”, phi công này cho biết.

“Không thể hạ cánh tiêm kích bom Su-34 với một càng đáp chính, chúng ta phải bật ghế phóng thoát ra. Đó là những gì mà tổ lái đã làm. Mọi người đều an toàn, mọi thứ đều ổn”, phi công Nga viết.

Tiêm kích bom Su-34 Nga cất cánh trong nhiệm vụ tấn công vị trí Ukraine tháng 4/2022. Ảnh: BQP Nga

Tiêm kích bom Su-34 Nga cất cánh trong nhiệm vụ tấn công vị trí Ukraine tháng 4/2022. Ảnh: BQP Nga

Tiêm kích Su-34 được phát triển từ thời Liên Xô, không quân Nga biên chế vào năm 2014. Su-34 chủ yếu thực hiện nhiệm vụ ném bom và phóng tên lửa dẫn đường vào vị trí của đối phương, song có mang theo tên lửa không đối không để đối phó máy bay địch.

Related Posts