Tin nóng quốc tế ngày 30/11

Ông Zelensky thăm sở chỉ huy tiền phương

Tổng thống Volodymyr Zelensky thăm sở chỉ huy và gặp gỡ các binh sĩ Ukraine chiến đấu gần tiền tuyến ở Kharkov, đông bắc đất nước.

“Thật vinh dự khi được tới thăm và khen thưởng các binh sĩ. Những người lính ở mặt trận Kupyansk đã bảo vệ cuộc sống hòa bình của người dân Ukraine và khu vực Kharkov”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong bài đăng trên mạng xã hội Telegram hôm nay.

Video đăng cùng bài viết cho thấy ông Zelensky tới thăm một sở chỉ huy trong khu vực Kupyansk với Tư lệnh lục quân Oleksandr Syrskyi, một trong những tướng hàng đầu của Ukraine. Tổng thống Ukraine cảm ơn những người lính vì sự hy sinh của họ.

“Tôi biết ngày nào các bạn cũng mất đi đồng đội và những người thân thiết. Mọi người đều hiểu rằng đây là cái giá đắt nhất”, ông nói với binh sĩ Ukraine.

Ông Zelensky chúc các binh sĩ Ukraine sẽ giành chiến thắng, thêm rằng “hãy mạnh mẽ và đừng để mất thế chủ động”.

Tổng thống Volodymyr Zelensky (giữa) và Tư lệnh lục quân Ukraine Oleksandr Syrskyi tại Kupyansk, Ukraine ngày 30/11. Ảnh: Reuters

Tổng thống Volodymyr Zelensky (giữa) và Tư lệnh lục quân Oleksandr Syrskyi tại Kupyansk, Ukraine ngày 30/11. Ảnh: Reuters

Quân đội Ukraine đã phải chống đỡ nhiều cuộc tấn công của quân Nga trên hướng Kupyansk trong vài tháng qua, khi lực lượng Nga tìm cách đẩy lùi đối phương khỏi khu vực họ từng để mất trong chiến dịch phản công chớp nhoáng của Kiev hơn một năm trước.

Thành viên Hamas xả súng ở Jerusalem

Hamas thừa nhận tiến hành vụ xả súng ở Jerusalem khiến 3 người thiệt mạng, ngay sau khi Israel và nhóm này gia hạn thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza.

Trong tuyên bố đưa ra vài giờ sau vụ xả súng gần một trạm xe buýt ở thành phố Jerusalem hôm nay, Hamas gọi đây là “phản ứng tự nhiên đối với những tội ác chưa từng có của những kẻ chiếm đóng Dải Gaza và chống lại trẻ em ở Jenin”, khu vực do Israel kiểm soát ở Bờ Tây.

Cảnh sát Israel cho biết hai nghi phạm đi ôtô, một mang theo súng trường M-16 và một mang súng lục, đã thực hiện vụ tấn công. Video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hai người đàn ông bước ra từ chiếc ôtô màu trắng và nổ súng vào những người đang đứng chờ xe buýt, trước khi bị nhân viên an ninh và những người xung quanh bắn hạ tại hiện trường.

Cảnh sát cũng tìm thấy đạn và vũ khí khác trên ôtô của họ, thêm rằng hai người từng bị Israel bỏ tù. Hamas xác nhận hai tay súng là anh em Murad Nemr 38 tuổi và Ibrahim Nemr 30 tuổi, thành viên cánh vũ trang của nhóm ở phía đông Jesuralem.

Hiện trường vụ nổ súng ở Jerusalem ngày 30/11. Ảnh: AFP

Hiện trường vụ nổ súng ở Jerusalem ngày 30/11. Ảnh: AFP

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng hành động nhanh chóng của binh sĩ và dân thường đã giúp ngăn một cuộc tấn công nghiêm trọng hơn. “Chính phủ của tôi sẽ tăng cường phân phát vũ khí cho người dân”, ông nói.

Cuộc đối đầu giành giật từng mét chiến hào ở miền đông Ukraine

Ngồi trong chiến hào dưới làn mưa đạn pháo từ Nga, một người lính Ukraine nói với các đồng đội: “Các anh hãy để tôi lại, tôi không thể đi được nữa”.

Chân của anh bị thương do mảnh đạn và đang rỉ máu qua lớp băng. Người lính châm điếu thuốc hút trong lúc nằm trên mặt đất khi các bác sĩ cố gắng băng bó vết thương.

Vài phút trước đó, 4 xe tăng địch lao qua chỉ cách chiến hào vài mét, buộc anh và đồng đội phải nằm rạp xuống nền đất đen. Mặt đất rung chuyển khi xe tăng lăn bánh phía trên.

Nhiệm vụ của đơn vị là chiếm lại chiến hào dài 150 m ở thành phố Avdeevka, miền đông Ukraine, nơi đã trở thành một trong những địa điểm giao tranh ác liệt nhất giữa Moskva và Kiev.

Avdeevka đã bị biến thành chiến trường từ khi phe ly khai thân Nga giành quyền kiểm soát phần lớn khu vực Donbass vào năm 2014. Avdeevka liên tục nằm trong tầm ngắm hỏa lực Nga kể từ khi Moskva phát động chiến dịch hồi tháng hai năm ngoái.

Cả quân đội Ukraine và Nga coi đây là một thành trì kiên cố với hệ thống chiến hào liên tục được mở rộng trong suốt 8 năm. Hơn một tháng qua, giao tranh nổ ra ác liệt chưa từng có ở Avdeevka khi lực lượng Nga tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn nhằm bao vây thành phố.

Lực lượng Ukraine đang cố thủ ở khu vực, cố gắng đẩy lùi quân Nga. Trong số đó có chỉ huy đại đội Oleh Sentsov.

Đơn vị của Sentsov trong cuộc tấn công chiếm giữ chiến hào ở Avdiivka, miền đông Ukraine, hôm 19/10. Ảnh: CNN

Đơn vị của Sentsov trong cuộc tấn công chiếm giữ chiến hào ở Avdeevka, miền đông Ukraine, hôm 19/10. Ảnh: CNN

Sentsov, 47 tuổi, là nhà làm phim nổi tiếng người Ukraine xuất thân từ Crimea, từng bị Nga bỏ tù 5 năm vào năm 2014. Ông hiện chiến đấu trong Lữ đoàn Cơ giới 47 thuộc lực lượng bộ binh Ukraine. Sentsov đã tham gia một số trận chiến khốc liệt nhất, từ Bakhmut đến Zaporizhzhia và bây giờ là Avdeevka.

Ông Putin: Đức ‘ngậm đắng’ vì quay lưng với năng lượng Nga

Ông Putin cho rằng Đức đang bị đồng minh phương Tây chi phối và phải “ngậm đắng nuốt cay” khi khước từ nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga.

Phát biểu tại đại hội các nhà khoa học trẻ ở vùng Krasnodar hôm 29/11, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng các nước châu Âu đã tự quay lưng với nguồn năng lượng giá rẻ, hoặc nghe theo lời Mỹ cắt nguồn năng lượng từ Nga vì “lý do chính trị”.

Theo ông, an ninh năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã bị ảnh hưởng khi Ba Lan và Ukraine cắt nguồn cung khí đốt Nga qua lãnh thổ của họ và các đường ống Nord Stream bị phá hoại.

“Chính quyền Ukraine nhận tiền từ châu Âu, trong đó có Đức, nhưng Kiev đã cắt nguồn khí đốt từ Nga mà Đức rất cần”, Tổng thống Nga cho hay. “Và người Đức phải ngậm đắng nuốt cay, vì họ thiếu quyền tự chủ”.

Ông Putin cũng cho rằng một số quan chức cấp cao của chính phủ Đức “dường như thiếu kỹ năng để đưa ra những quyết định hợp lý, chuyên nghiệp”. “Ai cũng biết rõ điều này và cả thế giới cười nhạo họ”, Tổng thống Nga nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại đại hội các nhà khoa học trẻ ở vùng Krasnodar hôm 29/11. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại đại hội các nhà khoa học trẻ ở vùng Krasnodar hôm 29/11. Ảnh: AFP

Đức hiện chưa phản hồi về bình luận của Tổng thống Nga. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Khí hậu và Kinh tế Đức Robert Habeck năm ngoái tuyên bố nước này đã loại bỏ và không bao giờ quay lại mô hình kinh doanh phụ thuộc vào năng lượng giá rẻ của Nga.

Năm 2021, một năm trước khi xung đột Ukraine bùng phát, 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU đến từ Nga. Con số này đã giảm sau khi chiến sự nổ ra, tuy nhiên Nga vẫn thu về 6,6 tỷ USD từ việc xuất khẩu khí đốt cho EU trong năm nay.

Israel tức giận với Thủ tướng Tây Ban Nha

Israel tức giận triệu đại sứ Tây Ban Nha để khiển trách sau khi Thủ tướng Sanchez nghi ngờ việc Tel Aviv tôn trọng luật nhân đạo ở Dải Gaza.

“Dựa trên video chúng tôi xem được và số lượng trẻ em tử vong ngày càng gia tăng, tôi thực sự nghi ngờ Israel có đang tuân thủ luật nhân đạo quốc tế hay không”, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói trong cuộc phỏng vấn ngày 30/11. “Những gì chúng ta đang thấy ở Dải Gaza là không thể chấp nhận được”.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau đó cho biết ông đã chỉ thị Ngoại trưởng Eli Cohen triệu đại sứ Tây Ban Nha để khiển trách “sau tuyên bố đáng xấu hổ của Thủ tướng Tây Ban Nha vào cùng ngày Hamas sát hại người Israel ở Jerusalem”.

Bình luận của ông Netanyahu đề cập việc hai tay súng Hamas giết chết ba dân thường tại một trạm xe buýt ở Jerusalem trong giờ cao điểm sáng 30/11.

Trong bài đăng trên mạng xã hội, Ngoại trưởng Cohen cho biết đã triệu hồi Đại sứ Israel tại Tây Ban Nha để tham vấn. “Israel tự biết cách hành xử và sẽ tiếp tục hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế”, ông Cohen cho hay.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại cuộc họp báo ở Madrid ngày 20/11. Ảnh: AFP

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại cuộc họp báo ở Madrid ngày 20/11. Ảnh: AFP

Hamas tấn công lãnh thổ Israel hồi đầu tháng trước, khiến 1.200 người thiệt mạng. Tel Aviv cam kết “nghiền nát” Hamas để đáp trả và đã phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn, khiến khoảng 15.000 người ở Gaza thiệt mạng.

Nga khen thưởng nhóm lính hạ xe tăng Leopard 1 đầu tiên

Quân đội Nga công bố video kíp tên lửa được trao huân chương và tiền mặt nhờ thành tích phá hủy xe tăng Leopard 1A5 đầu tiên của Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga hôm nay thông báo kíp tên lửa dẫn đường thuộc Tập đoàn quân xe tăng Cận vệ số 1 là những người đầu tiên phá hủy xe tăng chủ lực Leopard 1A5 của Ukraine trong trận đánh ở hướng Kupyansk trước đó hai ngày.

Ảnh chụp lại trên màn hình

“Tư lệnh cánh quân Nam đề cao hành động hiệu quả và thành công của kíp tên lửa”, tướng Vladimir Lugovoy, phó tư lệnh Quân khu miền Tây của Nga, nói trong lễ trao thưởng cho nhóm binh sĩ. Các binh sĩ được trao Huân chương Dũng cảm cùng phần thưởng tiền mặt tương đương 7.800 USD.

“Chúng tôi đã chờ những chiếc Leopard 1A5 suốt hai tuần. Nó xuất hiện vào buổi chiều, chúng tôi ngắm mục tiêu và phóng hai quả đạn trúng đích”, kíp trưởng có biệt danh Piter nhớ lại.

Hình ảnh do quân đội Nga công bố cho thấy kíp tên lửa phóng hai quả đạn chống tăng dẫn đường về phía mục tiêu ở xa, nhưng không rõ có phải chiếc Leopard 1A5 bị vô hiệu hóa hay không.

Tổng thư ký NATO: F-16 không phải ‘viên đạn bạc’ của Ukraine

Tổng thư ký NATO nói tiêm kích F-16 sẽ cải thiện năng lực phòng thủ của Ukraine, nhưng không phải vũ khí thay đổi cục diện chiến sự.

“Điều quan trọng là tiêm kích F-16 sẽ làm nên sự khác biệt. Chúng sẽ củng cố năng lực phòng không của Ukraine, đồng thời giúp họ tăng cường khả năng gây tổn thất với lực lượng Nga”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ, hôm 29/11.

Tổng thư ký NATO không đưa ra thời hạn chuyển giao chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine và hy vọng điều này diễn ra “sớm nhất có thể”. Tuy nhiên, ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh rằng không loại vũ khí đơn lẻ nào có khả năng thay đổi hoàn toàn cục diện chiến sự.

“Tôi hoan nghênh nỗ lực cung cấp xe tăng hiện đại, pháo phản lực HIMARS, tên lửa hành trình, các hệ thống phòng không và tiêm kích F-16, nhưng không có loại vũ khí nào được coi là ‘viên đạn bạc’. Vấn đề là nhiều hệ thống phải cùng phối hợp với nhau để đẩy lùi quân đội Nga. Chúng ta cần chuẩn bị cho chiến sự kéo dài và khó khăn”, ông nói. “Việc đạn bạc” là cụm từ chỉ cách giải quyết nhanh chóng và dễ dàng cho một vấn đề phức tạp.

Tiêm kích F-16 Hà Lan cất cánh trong chuyến huấn luyện tại Italy hồi tháng 10. Ảnh: USAF

Tiêm kích F-16 Hà Lan cất cánh trong chuyến huấn luyện tại Italy hồi tháng 10. Ảnh: USAF

Sau nhiều do dự, Mỹ từ hồi tháng 5 ủng hộ các quốc gia châu Âu viện trợ cho Kiev tiêm kích F-16. Đan Mạch và Hà Lan đang dẫn đầu nỗ lực đào tạo phi công F-16 cho Ukraine.

Đan Mạch đã cam kết chuyển F-16 cho Ukraine, lô đầu gồm 6 chiếc được bàn giao trong năm nay, 8 chiếc tiếp theo vào năm 2024 và 5 chiếc vào năm 2025. Giới chức Bỉ hồi tháng 10 cho biết nước này sẽ chuyển F-16 cho Ukraine, song không nêu số lượng cụ thể và nhận định tốc độ sẽ phụ thuộc vào quá trình Brussels thay thế mẫu máy bay này bằng tiêm kích tàng hình F-35.

https://vnexpress.net/ukraine-moi-nhan-mot-phan-ba-dan-phao-eu-cam-ket-vien-tro-4682785.html#:~:text=Ukraine%20m%E1%BB%9Bi%20nh%E1%BA%ADn,th%C3%A1ng%203/2024.

Related Posts