Vì sao Ông Lê Đức Thọ không nhận Giải Nobel Hòa bình gây tranh cãi nhất trong lịch sử ?

Nobel Hòa bình năm 1973 được trao cho hai cá nhân, nhưng gây tranh cãi chưa từng thấy khi ông Lê Đức Thọ từ chối nhận, còn Kissinger hứng nhiều chỉ trích.

Giải Nobel Hòa bình năm 1973 được Ủy ban Nobel trao cho ông Lê Đức Thọ, cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, và Henry Kissinger, nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ lúc đó. Đến nay, đây vẫn là một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất lịch sử Nobel Hòa bình kể từ khi ra đời năm 1895.

Quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho Kissinger đã gây sốc cho nhiều người vào thời điểm đó, vì cố vấn an ninh quốc gia Mỹ này đã tham gia nhiều vào chiến lược chiến tranh mà Mỹ phát động ở Việt Nam.

Quá trình đề cử các ứng viên cho giải Nobel được giữ bí mật trong 50 năm, nhưng vào ngày 1/1, những tài liệu về giải thưởng đã được giải mật theo yêu cầu từ truyền thông.

Ông Lê Đức Thọ (trái) và ông Henry Kissinger tại một cuộc đàm phán hòa bình cho Chiến tranh Việt Nam ở Gif-sur-Yvette gần thủ đô Paris, Pháp, ngày 23/11/1973. Ảnh: AFP.

Ông Lê Đức Thọ (trái) và ông Henry Kissinger tại một cuộc đàm phán hòa bình ở Gif-sur-Yvette gần thủ đô Paris, Pháp, ngày 23/11/1973. Ảnh: AFP.

“Tôi bây giờ còn ngạc nhiên hơn lúc ấy, khi Ủy ban Nobel có thể đưa ra một quyết định tồi tệ như vậy”, Stein Toennesson, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hòa bình, trụ sở ở Oslo, Na Uy, người đã xem các tài liệu được giải mật, nói với Reuters.

Ủy ban Nobel quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho cố vấn Lê Đức Thọ và ông Kissinger vì đây là hai người chủ chốt trong các cuộc đàm phán để đi đến Hiệp định Hòa bình Paris được ký vào tháng 1/1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ đã gây chấn động truyền thông quốc tế khi từ chối nhận giải thưởng vì ông cho rằng hòa bình chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam và “người xứng đáng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình chính là nhân dân Việt Nam”.

Theo các tài liệu mới được giải mật, ông Lê Đức Thọ và ông Kissinger được học giả người Na Uy John Sanness, thành viên Ủy ban Nobel, đề cử cho giải thưởng này vào ngày 29/1/1973, hai ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết.

Ông Sanness là một trong số hàng nghìn người có thể đề cử ứng viên cho giải Nobel Hòa bình, trong đó có các học giả, giáo sư, người từng đoạt giải Nobel và nguyên thủ quốc gia.

“Lý do của tôi là lựa chọn này sẽ nhấn mạnh điều tích cực rằng các cuộc đàm phán đã dẫn đến một thỏa thuận giúp chấm dứt xung đột vũ trang” giữa Việt Nam và Mỹ, Sanness viết trong bức thư được đánh máy bằng tiếng Na Uy của mình khi đó.

Nhưng Sanness, người đã qua đời năm 1984, viết thêm: “Tôi ý thức được rằng chỉ có thời gian mới trả lời được câu hỏi về ý nghĩa thực sự của hiệp định này trên thực tế”.

Giáo sư Toennesson nhận định thư đề cử cũng như những báo cáo về ông Kissinger và ông Lê Đức Thọ được chuẩn bị cho các cuộc thảo luận của Ủy ban Nobel cho thấy họ “nhận thức đầy đủ” rằng hiệp định “không có khả năng được duy trì”.

Trong cuộc phỏng vấn với một nhà báo Mỹ, ông Lê Đức Thọ cũng nêu rõ lý do mình không nhận giải thưởng. Theo ông, Mỹ là bên gây chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, vì thế, một bên đi xâm lược, một bên chống lại quân xâm lược để giải phóng dân tộc mình khỏi ách áp bức không thể cùng chia nhau giải Nobel hòa bình. Hơn nữa, thời điểm đó hòa bình vẫn chưa thực sự hiện diện ở Việt Nam, đất nước vẫn còn chia cắt, nên ông quyết định không nhận giải thưởng.

Trong số các tài liệu vừa được công bố còn có bức điện tín gốc mà cố vấn Lê Đức Thọ gửi từ Hà Nội cho biết ông “không thể” nhận giải Nobel Hòa bình.

“Khi Hiệp định Paris về Việt Nam được tôn trọng, tiếng súng đã im và hòa bình thực sự được lập lại ở miền Nam Việt Nam, tôi sẽ xem xét việc nhận giải thưởng này”, ông viết.

Chân dung những cá nhân từng đạt giải Nobel Hòa bình, trong đó có ông Kissinger (hàng trên cùng, thứ hai từ trái sang), được trưng bày tại Viện Nobel Na Uy ở Oslo. Ảnh: Reuters.

Chân dung những cá nhân từng đạt giải Nobel Hòa bình, trong đó có ông Kissinger (hàng trên, thứ hai từ trái sang), được trưng bày tại Viện Nobel Na Uy ở Oslo. Ảnh: Reuters.

Trái ngược với ông Lê Đức Thọ, Kissinger tuyên bố đồng ý nhận giải thưởng trị giá 510.000 USD khi đó. Điều này đã vấp phải làn sóng chỉ trích từ truyền thông Mỹ, khi tạp chí Time cho rằng “chỉ có Nhà Trắng vui vẻ thông báo điều này” và quyết định của Ủy ban Nobel “đã khơi dậy cơn bão chỉ trích chưa từng có”.

Theo giới quan sát, điểm mấu chốt của cuộc tranh cãi về giải Nobel Hòa bình năm 1973 là trong lúc các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn diễn ra, Kissinger và các lãnh đạo Mỹ vẫn cho phép tiến hành chiến dịch rải thảm Hà Nội bằng B-52 và chỉ chịu nhượng bộ sau trận “Điện Biên Phủ trên không“. Đây là lý do tờ New York Times gọi giải thưởng năm đó là “Nobel vì Chiến tranh”.

Giải Nobel Hòa bình năm 1973 còn gây xáo trộn trong chính Ủy ban Nobel khi hai thành viên không đồng ý trao giải thưởng cho Kissinger đã từ chức để phản đối. Ngày 1/5/1975, Kissinger gửi một bức điện tín tới Ủy ban Nobel để trả lại giải thưởng, nhưng ủy ban này từ chối.

Related Posts